Page 221 - Văn hoá Huế
P. 221
1. Rắn là biểu tượng thủy thần
Do đặc điểm tự nhiên và đời sống nông nghiệp gắn liền với môi trường sông nước
đã tạo nên nét đặc trưng trong đời sống tín ngưỡng của người Việt cổ là thờ thủy thần.
Từ điển tiếng Việt năm 2009 định nghĩa: “thủy thần là vị thần cai quản dưới nước”.
Đây là các vị chánh thần, cai quản vùng sông nước, biển, ao, hồ... Trải qua quá trình
phát triển lâu đời, hình ảnh rắn được đồng hóa và trở thành biểu tượng thủy thần, đi
vào tâm thức dân gian Việt Nam. Rắn “là thần của nước khởi nguyên, nó là thần của tất
cả các loại nước. Cùng với việc hình ảnh rắn nhanh chóng được đồng hóa và trở thành
biểu tượng thủy thần thì biểu tượng rắn cũng ngay lập tức được trừu tượng hóa và linh
thiêng hóa. “Người Việt không chỉ thờ rắn với tư cách là thủy thần, mà còn xem rắn là
vật tổ. Ở một góc độ nào đó, xu hướng tôn vinh, linh thiêng hóa rắn trong tiềm thức lịch
sử văn hóa, rắn được coi là tổ họ, là gốc, là tiền thân của rồng - giống nòi của cha ông”.
Môi trường nước không chỉ có vai trò quyết định đối với đời sống và sản xuất nông
nghiệp mà còn là nguồn gốc, là nơi sinh ra những tai họa khủng khiếp, những cái chết
bi thương. Nước là nguồn gốc của sự sống, nước có khả năng hồi sinh kỳ diệu cho con
người và vạn vật nhưng nước cũng có thể hủy diệt mọi thứ. Một trong những thảm họa
mà con người phải gánh chịu chính là lũ lụt. Sức mạnh tàn phá của lũ lụt khiến cho con
người trở nên nhỏ bé, yếu ớt và bất lực nên chỉ có thể sùng bái và kính cẩn thờ phụng
để cầu mong sự yên ổn. Trên cơ sở đó, biểu tượng thủy thần càng trở nên trừu tượng và
linh thiêng. Rắn không chỉ tồn tại trong tâm thức người Việt với cấu tạo cơ thể như vốn
có mà trở nên trừu tượng với thân mình dài hơn, nhiều đầu, có chân, có mào, có khả
năng bay và biến hóa với nhiều năng lực phi thường.
Quá trình đồng hóa rắn với thủy thần linh thiêng có nhiều sức mạnh phi thường làm
cho rắn trở thành biểu tượng của vị thủy thần uy nghi, đầy quyền năng trong nền văn
hóa Việt Nam. Cư dân Việt trên khắp mọi miền của tổ quốc, từ đồng bằng Bắc Bộ đến
đồng bằng sông Cửu Long đều thờ thủy thần với hiện thân là biểu tượng rắn. Dọc theo
sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống là hàng loạt các đền thờ thủy thần rắn. Rất nhiều
các di tích, lễ hội như: Thần tích và hội làng Linh Đàm thờ vị thủy thần Bảo Ninh vẫn
còn tồn tại trong đời sống con người hiện nay. Dọc theo duyên hải miền Trung và Tây
Nguyên cũng có sự hiện diện của nhiều đền thờ thủy thần rắn. Người M’nông thờ rắn
như một vị thủy thần có sức mạnh và sự ảnh hưởng to lớn đối với cộng đồng. Người
Mường ở Thanh Hóa cũng có tục thờ rắn. Ngôi đền thờ thần rắn được biết đến hiện nay
ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ. Bên cạnh những đền thờ thủy
thần rắn, đời sống tâm linh của cư dân đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với nhiều
huyền thoại linh thiêng về thủy thần rắn. Độc đáo nhất là biểu tượng thần rắn Naga của
người Khmer ở Nam Bộ.
Trong văn hóa Việt Nam bên cạnh biểu tượng rắn còn có nhiều biểu tượng khác là
hiện thân của vị thủy thần như: biểu tượng rồng, biểu tượng thuồng luồng, biểu tượng
cá... Tuy vậy, rắn trở thành biểu tượng tiêu biểu, độc đáo, đặc sắc cũng như mang tính
phổ quát trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và tâm thức con người Việt Nam. Một đặc
điểm độc đáo nữa của biểu tượng thủy thần rắn là mang tính tương giao giữa cả cái tốt
và cái xấu, cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái thấp hèn. Chính vì thế, vị thần này vừa
được xem là thiện thần, vừa được xem là hung thần.
SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO THÀNH PHỐ HUẾ 219