Page 46 - Văn hoá Huế
P. 46
- Kinh đô Áo dài Việt Nam” với nhiều nội dung phong phú. Ngày 29/3/2023, UBND
tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định phê duyệt đề án này, tạo cơ sở pháp lý cho việc
triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du
lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển
thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành,
đơn vị liên quan, đặc biệt là với sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng nhân dân, Đề án
Huế Kinh đô áo dài Việt Nam đã được Sở Văn hóa và Thể thao triển khai với nhiều
phương án và giải pháp đa dạng và đã đạt được những kết quả bước đầu tốt đẹp. Việc
sử dụng áo dài trong các hoạt động của cộng đồng ngày càng trở nên phổ biến, các loại
hình áo dài được nghiên cứu, phục hồi ngày càng phong phú, đặc biệt là các loại cổ
phục từng gắn liền với đời sống cung đình và quý tộc từng một thuở lừng danh “Y quan
Đường chế độ” (trang phục rực rỡ tựa thời Đường- triều đại được xem là cực thịnh về
văn hóa của Trung Hoa)...
Hiện nay, Huế đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững.
Thiết kế, may đo Áo dài vừa là một ngành nghề thủ công lại vừa là một ngành thiết
kế sáng tạo đặc biệt, tạo nên những sản phẩm ấn tượng và có tính phổ biến rất cao.
Đó là chưa kể rất nhiều các loại phụ kiện, trang sức kèm theo chiếc áo dài. Ngoài
ra, công nghiệp văn hóa áo dài còn tạo điều kiện phát triển các ngành khác như sản
xuất hàng lưu niệm, đồ chơi, phụ kiện, điện ảnh, mỹ thuật… Đây chính là hướng
phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn
việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân,
vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế. Có thể nói, việc phát
triển thương hiệu áo dài Huế ra nước ngoài không chỉ đơn thuần là kinh doanh mà
còn là kênh quảng bá văn hóa truyền thống hữu hiệu nhất. Đồng thời, áo dài cũng
là vật phẩm lưu niệm đầy ý nghĩa dành cho khách du lịch trong nước, quốc tế và
những người yêu văn hóa Việt, là niềm tự hào và hãnh diện của người Việt Nam khi
giới thiệu đến bạn bè thế giới.
Cùng với việc triển khai đề án Huế Kinh đô áo dài Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể
thao đã tập trung khảo sát, nghiên cứu xây dựng hồ sơ về nghề may đo và tập quán sử
dụng áo dài đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn
hóa phi vật thể quốc gia. Sau gần 3 năm bền bỉ, nỗ lực, hồ sơ đã được bảo vệ thành
công. Ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số
2320/QĐ-BVHTTDL chính thức ghi danh di sản này với tên gọi “Tri thức may, mặc
áo dài Huế”.
Vinh dự và tự hào khi Huế là địa phương đầu tiên có di sản Áo dài được vinh danh.
Đây là di sản chung của cộng đồng, do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo vệ, phát
huy giá trị.
Trong thời gian tới, Huế sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm bảo tồn, phát huy và lan tỏa
hơn nữa giá trị của Áo dài trong cuộc sống đương đại. Đồng thời sẽ đề xuất lãnh đạo
thành phố Huế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tiến hành việc xây dựng
bộ hồ sơ khoa học “Tri thức may, mặc Áo dài Huế” đệ trình UNESCO xem xét ghi danh
là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại n
44 SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO THÀNH PHỐ HUẾ