Page 54 - Tạp chí Cửa Việt
P. 54
sửa ngày Tết đều như trên bờ. Làm được cá, bán cá mua rau, mua
thịt; sắm lễ cúng tất niên, cúng năm mới và ăn ba ngày Tết. Ngoài ra
có một mâm lễ khác để cúng Bà Thủy, đây cũng là lễ cúng cầu an của
người sông nước, lễ vật gồm: heo, gà vịt, xôi chè, trà rượu, bánh trái...
Ở nhiều nơi gắn với nghề sông nước, tục cúng Bà Thủy được tổ chức
thường niên, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành
các lễ hội lớn vào một thời điểm trong năm. Còn trong các lễ cúng đầu
năm ở xóm vạn chài ven sông Hiếu, những người làm chài lưới đều
có sắm một mâm lễ cúng Bà Thủy cầu mong được bảo hộ và che chở,
giúp cho việc di chuyển, đánh bắt và mưu sinh trên sông được bình
an, thuận lợi. Cụ bà nói thêm: Nhờ thế mà hồi đó, vào một đêm ba
mươi, cha của bà đi đò về muộn, đến giờ giới nghiêm thì bị lính tuần
dưới Cửa Việt lên bắn chìm thuyền, thế mà ông cũng may mắn về
được nhà kịp tiếng pháo giao thừa! Ông thương các con lắm, Tết nào
cũng lên bờ tìm mua cho mỗi đứa mỗi bộ áo quần mới, có khó cũng
cho thằng út một phong pháo.
Khi ngưng tiếng gõ mõ đuổi cá, khi âm thanh khua khoắng của
mái chèo ngơi nghỉ, chỉ còn không khí đoàn viên đọng lại trên những
chiếc bè lớn. Họ bắt đầu mời gọi, bắt đầu những bước chân qua về giữa
các mạn đầm ấm bên mâm cỗ tất niên. Đàn ông uống rượu chuyện trò,
phụ nữ xởi lởi tiếp đồ nhắm, xúng xính hơn ngày thường.
Thời khắc giao thừa, cái mâm nhỏ đặt gọn gàng đầu mũi, cũng
đầy đủ lễ vật nhưng nho nhỏ, gọn gàng phù hợp với khoang thuyền.
Hơn nữa phải tĩnh lặng, tĩnh cả âm thanh và tĩnh cả xao động. Người
đàn ông trụ cột chắp tay khấn ra phía mặt sông, khấn với trời đất, sông
nước, với Bà Thủy, với ông bà tổ tiên cầu bình an sông nước đi về. Cuối
con thuyền một tràng pháo chờ đón năm mới. Bầy con lớn nhỏ quen
với lời ba dặn, chúng nó ngồi yên, không đi lại làm chòng chành mâm
cúng. Chờ quả pháo hiệu phụt lên sáng cả khoảng trời, là chúng tràn
về cuối lái châm ngòi… tiếng đì đùng râm ran, thế là Tết đến xuân về
với đất trời, với cuộc sống lênh đênh.
Bây giờ xóm vạn ở đâu! Nếu không đi tìm thì không có ai hay,
cũng như bà đã để lại tuổi xuân trên thân đò thuở nào ai biết, chỉ còn
cụ bà chất phác thật thà, hàng ngày thong thả trên những con phố,
quét những lá tre rụng xuống cội vương lại bên đường. Hình ảnh cái
chổi tre rèng rẹc ngoài phố, hình ảnh bà đứng ngóng ra sông như gợi
lại một tiến trình thay đổi, bà đã khác và xóm chài đã khác.
52