Page 87 - Văn Nghệ Phú Yên
P. 87

Tết xưa trong ký ức người xa quê



           NGUYỄN HOÀI SƠN   Tản văn
                               




               Trong bài thơ “Quê hương” nhà thơ Đỗ Trung Quân có viết: Quê hương mỗi
           người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn
           nổi thành người…những câu thơ da diết, thấm đẫm tình quê ấy luôn là nỗi nhớ
           không thể rời xa với mỗi người xa quê. Nỗi nhớ đắp bồi theo thời gian tháng
           năm, bởi quê hương là ký ức, là tâm hồn, ở nơi đó còn có tình yêu thương của
           bạn bè, gia đình, thầy cô và biết bao kỷ niệm ấu thơ ùa đến mỗi khi Tết đến
           Xuân về.
               Lúc còn nhỏ, như mọi đứa trẻ ở quê, tôi luôn háo hức mong chờ Tết đến.
           Trong ký ức tuổi thơ tôi, Tết cổ truyền xưa vẫn không hề nhạt phai. Trước
           Tết cả tháng, người dân quê tôi đã có sự chuẩn bị khá rộn ràng trong từng gia
           đình, từng ngõ xóm. Nhất là những ngày cuối năm âm lịch, công việc chuẩn bị
           Tết thật khẩn trương, nhộn nhịp. Từ 20 tháng chạp không khí Tết đã náo nức
           lắm rồi. Mọi người, mọi nhà đều tất bật việc mua sắm thêm lương thực, thực
           phẩm, các loại bánh, mứt; dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, chăm sóc chậu
           hoa, cây cảnh, trang trí, sửa sang nhà cửa mới hơn, khang trang hơn, chuẩn
           bị cỗ bàn và háo hức đón người thân đi làm xa trở về. Với gia đình tôi, Tết đến
           mẹ không quên may mặc cho anh em tôi mỗi đứa một bộ áo quần mới, dép,
           mũ đều mua mới để đi chơi Tết. Mỗi lần sắm đồ Tết cho các con, mẹ tôi vẫn
           thường nhắc đến câu ví dân gian: Gìa bát canh, trẻ manh áo mới. Đúng là với
           người cao tuổi bữa ăn có bát canh sẽ ăn ngon miệng hơn, còn trẻ nhỏ mỗi khi
           có quần áo mới thì không vui nào bằng. Khi xưa điều kiện kinh tế gia đình tôi
           khó khăn, tất cả mọi việc cho ngày Tết đều được cha mẹ chuẩn bị chu đáo trước
           hai ba tháng trời. Gọi là chu đáo vì có thêm các món ăn, thức uống hơn ngày
           thường một chút, chứ đủ đầy như Tết nay thì không sao sánh được. Khởi đầu
           trong nhiều nghi lễ thờ cúng tại gia đình vào dịp Tết cổ truyền là lễ đưa ông
           Công, ông Táo chầu trời vào 23 tháng chạp. Cha mẹ tôi chuẩn bị hương, nến,
           hoa quả còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và cá chép để cúng ông Công,
           ông Táo. Quan niệm dân gian của người Việt, Cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua
           Vũ Môn để lên thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Ông Táo là người ghi chép tất cả
           những việc làm của gia chủ đã thực hiện trong năm và nắm tình hình ở dưới
           trần gian để bẩm báo cho Ngọc Hoàng biết. Ở quê tôi lễ đưa ông Công, ông
           Táo chầu trời không cầu kỳ, nhưng cần phải trang trọng, thể hiện tấm lòng và
           sự tôn kính của gia chủ. Phiên chợ ngày 25 tháng chạp (tháng 12 âm lịch) ở


                                                             VĂN NGHỆ PHÚ YÊN  81
   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92