Page 88 - Văn Nghệ Phú Yên
P. 88
quê tôi là phiên chợ cuối năm, mọi người, mọi nhà đến mua bán, trao đổi hàng
hóa phục vụ ngày Tết nên đông vui và nhiều hàng hóa nhất. Dân gian vẫn lưu
truyền câu nói: Cưới trăm cô vợ không bằng phiên chợ 25 là vậy. Sau phiên chợ
cuối năm này, không khí làng quê tất bật trong âm thanh hỗn tạp đan xen:
tiếng người rộn rã nói cười, gọi nhau ý ới, tiếng chó sủa, tiếng lợn kêu. Ở quê
tôi mỗi gia đình đông con cháu đều mổ một con lợn (heo) và gói nhiều bánh
chưng (miền Nam gọi là bánh tét), bánh tẻ (gạo ăn hàng ngày). Còn lại những
gia đình ít người thì dăm ba nhà, bà con láng giềng rủ nhau “đụng lợn”. Tức
là chung nhau mổ một con lợn rồi chia phần. Mỡ lợn ngày Tết được áp chảo
thành mỡ nước đựng trong hũ, trong vại sành dùng nấu ăn quanh năm, còn
có cả thịt lợn sống ướp muối hạt bọc trong lá cọ non cột chặt treo vách bếp để
ăn dần. Buổi chiều 30 tháng Chạp, cũng như các gia đình khác, cha mẹ tôi sắm
sửa mâm cơm thịnh soạn cúng tất niên, có nhiều món ăn chỉ nấu trong ngày
Tết như thịt đông, chả nướng, nem rán, chân giò hầm măng, dưa hành, bánh
chưng, bánh tẻ. Bữa cơm tất niên có đông đủ người thân trong gia đình cùng
quây quần bên nhau thật vui vẻ, ấm cúng và hạnh phúc. Đêm cuối năm, cha
mẹ tôi thường dành chút thời gian nhắc nhở, khuyên bảo các con, các cháu qua
năm mới chăm ngoan, học những điều hay, lẽ phải, anh em phải biết nhường
nhịn, thương yêu, đùm bọc nhau. Những điều không vui, không vừa lòng của
năm cũ đều bỏ qua để đón năm mới với nhiều điều tốt đẹp…
Người Việt quan niệm thời khắc giao thừa đúng 12 giờ đêm 30 tháng
Chạp. Đây là thời điểm thiêng liêng hoán đổi giữa năm cũ và năm mới, khi đó
đất trời giao cảm, muôn vật như ngừng chuyển động “nín thở” trong một thời
khắc để rồi bừng lên một sức sống mới, một sự tái sinh kỳ diệu. Cũng vào thời
điểm giao thừa, cha mẹ tôi có chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa, cầu mong cho
gia đình năm mới mọi việc đều suôn sẻ, hanh thông. Thời xa xưa ấy, đúng vào
lúc giao thừa, xóm nhỏ vùng quê tôi nơi thôn dã bỗng trở nên náo nhiệtbởi
tiếng pháo đì đùng gần, xa; mọi nhà đều đốt pháo tiễn đưa năm cũ đón chào
năm mới. Từ khi thực hiện chủ trương của nhà nước không đốt pháo, mọi
người, mọi nhà dân ở quê tôi cũng đã thực hiện nghiêm việc này.
Ngày mùng một Tết, anh em tôi xúng xính trong bộ đồ mới cùng cha mẹ
vui vẻ chúc thọ, mừng tuổi ông bà và các bậc cao niên. Cũng trong ngày mùng
một Tết, cả nhà tôi đi thăm hỏi bên họ nội, mồng hai sang lễ Tết bên nhà ngoại
và bà con lối xóm. Ngày mồng ba, cha mẹ tôi ở nhà đón các thế hệ học trò cũ
đến thăm chúc Tết. Mãi sau này lớn lên tôi mới hiểu ý nghĩa câu dân gian còn
lưu truyền đến nay“Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” là thế
nào. Khi đến thăm họ hàng, làng xóm, mọi người đều dành cho nhau những lời
chúc tụng tốt đẹp nhất, chúc nhau mạnh khỏe, vui vẻ và cuộc sống ngày thêm
ấm no, hạnh phúc. Trong những ngày Tết khi giao lưu, tiếp xúc mọi người chỉ
82 VĂN NGHỆ PHÚ YÊN