Page 86 - Văn Nghệ Phú Yên
P. 86
hạnh phúc gia đình. Sắm Tết là mua sắm nhang đèn, vàng bạc, lễ vật để lo cho
ông bà, tổ tiên suốt mùa Tết, từ dẫy mả, tất niên, đưa ông Táo về trời, đến giao
thừa, tân niên, hạ niêu, cúng tạ... Sắm Tết là lo cho chồng con những bộ quần
áo mới, đôi dép mới trong ba ngày xuân... Sắm Tết là những món ăn cho cả
nhà, nào gà, nào thịt heo, nào bánh, nào cốm... Vì thế mà những phiên chợ Tết
cứ rộn ràng từ lúc tờ mờ sáng cho đến tận trưa mà chợ vẫn không muốn tan.
Có một tập quán của người Việt từ ngàn xưa, biểu hiện rõ nhất ở vùng
nông thôn, đó chính là chuyện phải kết thúc mọi việc của năm cũ trước giao
thừa. Chính vì thế mà ngày 30 tháng Chạp là ngày rộn ràng nhất, áp lực nhất
đối với người dân quê. Chuyện làng, chuyện xã thì lo hoàn tất việc chỉnh trang
đường sá, trang hoàng các điểm công cộng như đình làng, trung tâm xã. Nhà
nông thì chuẩn bị thức ăn cho trâu bò vì người dân quê kiêng kỵ làm bất kỳ
việc gì trong ngày mùng Một. Khổ nhất có lẽ là những người phụ nữ, họ vừa lo
cho xong các món bánh truyền thống, bánh thuẫn, bánh men, bánh kẹp, rim,
cốm…đều tập trung vào 29, 30 Tết. Đồng thời, còn phải tranh thủ đi làm đẹp
cho bản thân mình vì quanh năm lam lũ, ai cũng muốn mình đẹp hơn trong
ba ngày Tết. Việc cuối cùng của nhiều người trong đêm 30 Tết là tiến hành các
thủ tục để rước ông Táo về, cúng gia tiên trong giờ phút giao thừa …
Ngày nay, nhịp sống hiện đại đã làm thay đổi nhiều thứ, việc kiêng cữ
trong ngày mùng Một cũng không còn như xưa, người dân quê có thể chăm
sóc lúa, chăn dắt trâu bò, ra đồng cùng bao việc khác nữa ngay trong ngày đầu
năm. Bây giờ, chiều 30 tháng Chạp vẫn có người rảnh rang ngồi lướt mạng xã
hội xem bạn bè gần xa đang làm gì, những gì đang diễn ra quanh mình trên
không gian số. Nhưng ký ức về những ngày tháng Chạp rộn ràng, những ngày
giáp Tết, sự lo toan, vất vả để rồi được bù đắp trong những ngày vui như Tết,
thì vẫn là những kỷ niệm đẹp đối với nhiều người...
Vạn thọ. Ảnh PV
80 VĂN NGHỆ PHÚ YÊN