Page 124 - Văn Nghệ Bình Định
P. 124
rừng phòng hộ/ Lán trại mọc nhanh với máy cưa, lưỡi búa và lọ sơn màu đỏ/ Không
còn người cầm rựa/ chiếc gùi cùng con chó/ ngày ngày vẫn mò mẫm đi thật xa theo
dấu chân của làng/ Rồi họ không về nữa” (Dấu chân của làng). Dấu chân của làng
cứ lùi xa dần rồi sẽ không còn nơi để lùi. Hình ảnh chiếc gùi, con chó, người cầm
rựa lầm lũi đi, cứ kiên trì tồn tại như bản chất sự sống, thật ám ảnh! Hoặc một câu
chuyện khác trong bài thơ Tấm bản đồ trên lưng người đi biển viết về những người
bám biển bao đời. Chính họ, mồ hôi và máu đã vẽ tấm bản đồ cương vực, lãnh
thổ thiêng liêng. Chắt đọng những câu chuyện cuộc đời - câu chuyện thơ, là quý.
Tôi nghĩ nếu Chiến có nhiều hơn những khoảnh khắc thăng hoa, bay bổng: thơ
không chỉ mồ hôi nhọc nhằn, mà còn là những phút giây mơ màng, huyền diệu.
Sẽ nhẹ nhàng hơn cho anh, cho thơ chăng?
Vân Phi đã in 2 tập thơ: Ngày mắc cạn và Gốm lưu lạc. Tôi nhắc tên hai tập thơ
Vân Phi có ý: dường như từ vô thức, nhà thơ này cứ ám ảnh, mải miết những cuộc
“lưu lạc”, “ly hương”, “trôi”, “mắc cạn” hoặc “trọ” vào cơn say, hoặc đi nhưng chưa
biết về đâu! Cái khơi vơi xa vọng của tâm cảm là cuộc “hành” tự thân: chưa dợm
bước đã trải dặm dài!
Đọc thôi: “Những con đường đưa ta về đâu/ thị thành bỏ ngải/ hun hút đồng
đêm/ hun hút gió/ ai cắm câu vào ký ức/ nằng nặng bãi trăng// Người đi xa như
muôn thuở/ ta chưa kịp ngoái nhìn/ bất giác thấy mình như gió/ lưu lạc lũng khuya”
(Đường về). “Đêm trên đò vắng/ sào khuya treo một ánh nhìn/ qua rồi lưỡi gươm
mài sắc/ sóng gợn lên dáng dấp đền đài/ dòng Hương trôi/ tuổi thơ trôi/ sao vẫn
âm âm một dáng ngồi cây cỏ” (Sông ly hương). Thêm nữa nhé: “ngồi một chút/ rồi
mình đi đâu nhỉ?// đi đâu đi/ đừng mua vé khứ hồi…// ta ngồi lại với ta thêm chút
nữa/ nghe giọng mình/ khản đặc phía khơi vơi…” (ngồi lại…). Vân Phi là kẻ lữ hành
đơn độc. Cuộc lưu lạc từ trong tâm thức này giúp thơ anh nhiều cơ hội vượt thoát
những ràng rịt hiện thực, những định vị công chức. Tôi chúc anh mãi “lưu lạc”,
thấu cùng tận nỗi buồn trên hành trình, để tìm thấy quê chốn nhiều hoa thơm
cỏ lạ, cho thơ!
Trần Quốc Toàn là gương mặt thơ khá hiện đại. Trong thế giới thơ của Toàn có
sự hòa trộn của thực tại và huyễn mộng; sự sống và những linh hồn con người,
vạn vật; ký ức và tiềm thức… Không có sự vật nào, địa danh, văn hóa, sản vật nào
hiện lên trong thơ không có sự chiếu rọi qua nhiều lăng kính kỳ ảo theo thế giới
song hành, song trùng âm dương. Đề tài ư? Thì quê hương, làng. Ở đó có dân
làng sống và chết, có bao người thân ông, bà, cha, mẹ và chị…, còn hay mất; có
lịch sử, văn hóa, sản vật, truyền thuyết và tập tục… Tất cả dễ dàng đồng hiện dù
cách nhau tít tắp trăm, ngàn năm - các thì của thời gian: quá khứ, hiện tại, tương
lai không còn rạch ròi. Trên nền phông đầy sáng tạo này, mọi thứ miên man, vô
hồi, không dứt. Thơ Toàn không dễ đọc. Và cũng thật gượng khi trích dẫn, vì như
thế sẽ tách rời khỏi chỉnh thể đầy quyến dụ. Toàn có một lựa chọn đáng khen cho
hành trình thơ mình, và sự dấn thân này sẽ giúp anh đi xa. Chờ xem.
My Tiên và Nguyễn Đặng Thùy Trang là đôi bạn cùng học cùng tham gia
VĂN NGHỆ Bình Định số Xuân Ất Tỵ tháng 1+2.2025 O 117