Page 89 - Văn hoá Huế
P. 89
Tuy nhiên, xu thế cải lương phong tục gần như là tất yếu. Các làng ở Thừa Thiên
Huế đã soạn các bản điều lệ mới của làng, như điều lệ của làng Dã Lê Thượng năm
1912, Cấm điều của làng Thủ Lễ năm 1925, Hương ước làng Lễ Khê năm 1925,
Hương ước làng Bàn Môn năm 1926 và Khoán lệ làng Thế Lại Thượng năm 1929
với một tinh thần thay đổi phong tục.
2. Nội dung các bản thuận định buổi đầu
Từ khi quân đội Lê - Trịnh chiếm đóng Phú Xuân, cho đến triều vua Cảnh Thịnh,
xem như là buổi đầu ra đời các bản thuận định về một vài nội dung chuyên biệt ở
các làng tại Thừa Thiên Huế.
Liên tục từ năm 1775 cho đến năm 1780, làng Hồng Phước (về sau là làng Thanh
Phước) đã quan tâm khoán định về bảo vệ đường làng, cấm trâu đi trên đường làng sụp
lở đường và yêu cầu các vườn nhà tiếp liền với đường hàng năm phải bồi đắp đường.
Làng Dương Nỗ cũng quan tâm bảo vệ đê đập, thủy lợi của làng với khoán lệ
năm 1795, 1796. Lại có thuận định về bổn phận và quyền lợi về lễ Kỳ yên năm
1793, điều lệ về việc phân cấp ruộng khẩu phần năm 1795 và đặc biệt là khoán
định về việc bảo vệ trị an năm 1800. Bản khoán định trị an này phản ánh tình trạng
rối loạn trong những năm cuối triều vua Cảnh Thịnh: “Từng nghe: Triều đình lấy
kỷ cương làm chính, làng xóm lấy khoán ước làm nghiêm. Nay bổn làng lập điều
khoản từ trên thẳng xuống dưới, cần phải sửa chữa đùi gậy, đao kiếm bảo vệ mình,
hễ nghe tiếng tri hô trộm cướp tức tốc đến nơi ấy vây bắt kẻ gian. Nếu kiểm tra,
người nào vắng mặt, cố ý ở nhà, thì đòi 5 tiền, và người nào đến mà không đem
theo khí giới, cứ đi tay không thì bị đòi 1 tiền để nghiêm cấm. Nếu người nào bắt
được ăn trộm quả tang, bổn làng thưởng tiền 3 quan. Nếu kẻ trộm bị giết thì bổn
làng cùng chịu (trách nhiệm)”.
3. Nội dung các bản khoán định triều vua Gia Long.
Sau cuộc chiến 30 năm tranh chấp quyền lực giữa hai thế lực, hòa bình đã được
vãn hồi, giờ đây là lúc trùng tu tái thiết đình và từ đường làng, nên làng Dương
Nỗ đã quan tâm về khoán lệ việc tế lễ: “Định rằng: Vào ngày lành năm Mậu Thìn
(1808) bổn làng đã xây dựng chánh miếu từ đường (tức là đình làng) để thờ phụng
thần linh và thất tộc từ đường (nhà thờ bảy họ) phụng thờ tiên tổ cũng được dựng
mới lại. Từ nay định rằng lễ nghi cốt cho trên thuận dưới hòa, sáng tỏ sự nghiệp
của tổ tiên, làm giàu có cho con cháu về sau, nên đã họp định các điều kê ra như
sau…” Sau đó là 6 điều quy định cụ thể.
Làng Thanh Phước thì định ra khoán lệ để giao số ruộng 15 mẫu cho các họ nhận
làm ruộng hương hỏa nhưng phải thu lấy tiền để trả lại chủ cho vay, để xin lại tờ
văn khế vay mượn đó. Số ruộng này, các họ sẽ làm của hương hỏa truyền lại lâu
dài cho con cháu. Trong đó có 3 họ Phan, 7 họ Nguyễn, 3 họ Lê và 1 phái Nguyễn
Đăng nhận lấy số ruộng hương hỏa này.
4. Phân tích lệ định của làng Lại Ân (làng Sình) năm Tự Đức thứ 15 (1862)
Khoán lệ này bao gồm 40 điều, trong đó hơn 20 điều liên quan đến tế tự, với các
lễ như sau:
(Xem tiếp trang 231)
SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO THÀNH PHỐ HUẾ 87