Page 235 - Văn hoá Huế
P. 235
Đó là các nội dung cơ bản của Hương ước nói chung và Hương ước các làng tại
Huế nói riêng.
Hương ước các làng trên vùng đất cố đô đã phát huy vai trò trong việc điều hòa
các quan hệ làng xã Huế cũ, đã góp phần hạn chế hủ tục và sự độc đoán của cường
hào tại các làng, góp phần bảo tồn thuần phong mỹ tục của Nhân dân.
Ngày nay, Hương ước tại Huế được sưu tầm, phiên dịch là căn cứ để tìm hiểu
làng xã cổ truyền của vùng đất “núi Ngự sông Hương” giàu bản sắc văn hóa và là
cứ liệu để nghiên cứu, bổ sung cho Hương ước và Quy ước làng xã hiện nay, đặc
biệt là Quy ước xây dựng nông thôn mới và nếp sống văn minh đô thị.
Ở Huế, năm 2007 đã có công trình Mạch sống của Hương ước trong làng Việt
Trung bộ (NXB Thuận Hóa) do Nguyễn Hữu Thông chủ biên. Nội dung gồm phần
nghiên cứu khảo luận 264 trang khổ 16x24 và phần phụ lục hơn 400 trang sao lục
văn bản Hương ước tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và dịch nghĩa của
các nhà Hán Nôm: Nguyễn Đình Thảng, Lê Nguyễn Lưu, Lê Đình Hùng. Trong đó
có 14 bản Hương ước của một số làng thuộc Huế.
Lần này, qua khảo sát văn bản Hán Nôm làng xã Thừa Thiên Huế (thực hiện từ
năm 2024 trở về trước) với sự hợp tác sưu tầm, số hóa của Thư viện Tổng hợp tỉnh
Thừa Thiên Huế (nay là Thư viện Tổng hợp thành phố Huế) và Thư viện Khoa học
Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã chọn được 67 bản Cấm điều, Điều
lệ, Thuận định hay Hương ước của 30 làng tại vùng đồng bằng và ven biển của địa
phương. Trong đó có một tộc ước của họ Cao làng Thế Chí Đông, là một danh gia
vọng tộc vào thế kỷ XIX của huyện Quảng Điền. Khung niên đại của văn bản rải
rác từ năm 1775 đến năm 1942.
Nhìn chung, các điều khoản của Hương ước ra đời trong thời điểm nào thường
phản ánh nhu cầu cấp bách của mỗi làng trong thời điểm đó, gắn với cuộc sống làm
ăn, sinh hoạt thờ cúng thần linh, tổ tiên, bảo vệ trị an, bảo vệ ruộng đồng, hoa màu,
điều hòa trách nhiệm và quyền lợi trong làng, có ý thức ngăn cấm tệ đoan, hủ tục,
thói xấu, bảo tồn thuần phong mỹ tục, nêu cao khuyến học, khuyến khích tiết hạnh,
trung can nghĩa khí, hướng đến một môi trường sống bình an, hòa thuận, đoàn kết,
trong sạch.
Đặc trưng của một vùng đất lễ nghĩa kế cận Kinh đô, chịu ảnh hưởng nghi lễ
triều đình, tỏ rõ trong các điều khoản về tế lễ: quy định lễ phục, yêu cầu trai giới,
lễ vật, quy trình tế lễ như nghinh thần, túc yết, chánh tế, tống thần, quy định về lệ
kỉnh biếu quan viên chức sắc, lệ hương ẩm, vị trí chiếu ngồi trong, ngoài đình.
Theo chuyển biến của thời đại, các tập tục lễ nghi này đã đổi thay dần theo hướng
tiết kiệm, tiết giảm. Các bản Hương ước cải lương vào các thập niên, hai mươi, ba
mươi, bốn mươi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thể hiện tinh thần đó.
Ngày nay, Hương ước tại Huế được sưu tầm, phiên dịch là một trong những căn
cứ quan trọng để tìm hiểu về làng xã cổ truyền, truyền thống văn hóa của xứ Huế
và là cứ liệu để nghiên cứu, bổ sung cho Hương ước hay Quy ước làng xã hiện nay,
đặc biệt là trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và nếp sống văn minh đô thị,
gắn kết giữa truyền thống và hiện đại. n
SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO THÀNH PHỐ HUẾ 233