Page 89 - Tạp chí Cửa Việt
P. 89
Nhà Hồ” huyền bí, một nơi chốn đầy rẫy hiểm nguy của nạn cướp bóc
đạo tặc trên dặm trường thiên lý Bắc - Nam. Địa danh gắn với câu ca nổi
tiếng mà sử sách nhắc mãi “Thương em anh cũng muốn vô / Sợ Truông
Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Nỗi khiếp sợ mang tên “Truông Nhà Hồ”
từng kéo dài hàng trăm năm. Trải dọc theo rìa rú là những nghĩa địa cổ,
mồ mả của những dòng họ lâu đời, đã hiện diện mấy trăm năm. Trong
ngôi rú này có các địa điểm linh thiêng như mồ Trùm Chiêng, mồ ông
Phượng, miếu Thần hoàng gắn với những giai thoại tâm linh truyền đời
nửa hư nửa thực, được người đời rủ rỉ với nhau trong những câu chuyện
truyền miệng nhưng cũng gieo nỗi ám ảnh, sợ hãi, khiến ít người dám
đặt chân đến dẫu chỉ một lần. Một vùng đất cấm, một miền quê thiêng,
tổng hòa lại mang tính chất rất khác lạ và khá riêng biệt. Chính điều này
đã tạo nên yếu tố “địa lợi” cho việc hình thành và phát triển phong trào
cách mạng về sau, biến Thượng Lập thực sự là cái nôi cách mạng đúng
nghĩa của Vĩnh Linh.
Nơi đây, từ những ngày đầu chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng
sản, ở làng quê Thượng Lập đã xuất hiện một lớp thanh niên ưu tú mang
tư tưởng và hoài bão lớn. Những năm 1928 - 1929, khi tổ chức tiền thân
của Đảng xuất hiện trên đất Quảng Trị là “Việt Nam thanh niên cách
mạng đồng chí Hội”, ở Thượng Lập cũng đã có những gương mặt ưu tú
như Xu Quảng, Tô Sắt, Trần Văn Ngoạn… tham gia. Họ thoát ly và sớm
tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng yêu nước và con đường cứu nước
trong “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam.
Trở lại quê hương, nhóm thanh niên này đã xúc tiến thành lập tổ chức Việt
Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội năm 1929 ngay ở làng Thượng
Lập, là một trong 3 tổ chức cách mạng tiến bộ ở phủ Vĩnh Linh lúc này.
Về sau, khi Đảng Cộng sản ra đời năm 1930, trên nền tảng ấy, dưới sự
bồi dưỡng, giác ngộ của Đoàn Bá Thừa - Bí thư Tỉnh ủy, Trần Ngọc Hoành
- đặc phái viên của Tỉnh ủy lâm thời, chi bộ Đảng ở Thượng Lập ra đời vào
tháng 5/1931, với 6 đảng viên đầu tiên, do Trần Văn Ngoạn làm Bí thư.
Cùng với Huỳnh Công, Quảng Xá, chi bộ Thượng Lập là một trong 3 tổ
chức Đảng đầu tiên của Vĩnh Linh. Sau khi xuất hiện 3 chi bộ này, Phủ ủy
Vĩnh Linh cũng được thành lập ở một địa điểm bí mật trên chính mảnh đất
Thượng Lập, với những thành viên cốt cán đến từ 3 tổ chức này.
87