Page 88 - Tạp chí Cửa Việt
P. 88

Quê hương bản quán của tôi là rẻo đất nằm bên dòng Kiến Giang
          thơ mộng tưới tắm cho một Lệ Thủy ân tình. Nhưng dòng nước thân
          thương chảy trong tâm trí tôi lại là con sông đào Hồ Xá bé xíu, mảnh
          mai như chiếc lược ngà vắt qua những rặng tre um tùm già cỗi, trôi theo
          rìa làng qua các thôn Cầu Điện, Nhà Tài, Xóm Mội, Thượng Hòa, đổ về
          mép chợ Chiều, chợ Mai, chợ Xép, thong thả trôi qua phố phường Hồ
          Xá bộn bề, rồi về hòa với dòng Sa Lung ở ngã ba Châu Thị… Kiểu người
          “hai quê”, “quê giữa hai sông” như tôi, luôn lấn cấn những buồn vui
          và lẩn thẩn với một miền ký ức thương nhớ đan xen, suy cho cùng cũng
          không phải là nhiều.
                Những thôn xóm làng quê tôi lan man trong khúc dạo đầu ấy đều
          thuộc về địa danh “xã Vĩnh Long” thân thương, quê ngoại yêu dấu của
          tôi, một trong 18 đơn vị hành chính của huyện Vĩnh Linh lúc này. Đây là
          miền quê có lịch sử hình thành lâu đời nhất xứ Vĩnh, từ thời Hậu Lê, tận
          sáu bảy trăm năm trước, nhưng cái tên Vĩnh Long thì mới chỉ ra đời cách
          đây 7 thập kỷ, sau ngày Vĩnh Linh trở thành Đặc khu vào năm 1955.
          Nhắc đến Vĩnh Long là người ta thường nghĩ đến miền quê lúa bên dòng
          Sa Lung huyền thoại, về miếu Bà Chúa nổi tiếng linh thiêng, về bến đò
          Phúc Lâm da diết câu hò đối đáp giao duyên của nam thanh nữ tú hai bờ.
          Bến đò ấy thuở chiến tranh là một cửa ngõ quan trọng như cái “yết hầu”
          trên tuyến giao thông chuyển quân lương, vũ khí đạn dược từ miền Bắc
          tập kết về Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, cõng pháo qua Vĩnh Thủy diệt máy bay
          Mỹ… Và, với Vĩnh Long, không thể không nhắc đến làng quê Thượng
          Lập trượng nghĩa, nơi ra đời 1 trong 3 chi bộ Đảng đầu tiên của huyện
          Vĩnh Linh từ những năm 1930 - 1931. Địa danh “làng Thượng Lập” và
          mốc son lịch sử này luôn được nhắc đến thật trang trọng mỗi khi nói về
          hào khí và truyền thống cách mạng mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng.
                Thượng Lập, nay chỉ còn vang bóng quá khứ vàng son, nhưng làng
          quê xưa ấy từng là một địa danh rất nổi tiếng. Một vùng đất rộng lớn,
          bao trùm phần lớn diện tích phía bắc của xã Vĩnh Long ngày nay và bây
          giờ thật khó hình dung địa giới cụ thể. Làng có doi rú nguyên sinh tên
          là rú Trằm, nay vẫn còn hiện diện, ôm lấy các thôn Nhà Tài, Xóm Mội,
          Thượng Hòa ở phía đông bắc. Rú kéo một vệt xanh rậm rì chạy song
          song với quốc lộ 1A. Doi rú này xưa cũng là một phần thuộc “Truông



           86
   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93