Page 90 - Tạp chí Cửa Việt
P. 90
Tổ chức Đảng ra đời sớm đã thực sự làm chuyển biến phong trào
đấu tranh cách mạng ở miền quê nghèo. Làng Thượng Lập xưa ấy cũng
là một điển hình về sự bóc lột tận xương tủy của quan lại phong kiến.
Những tổng Chua, Cửu Kiệm… cường hào ác bá chiếm đoạt hết ruộng
đất, lại thêm thuế khóa nặng nề, người dân trở thành bần cố nông,
quanh năm cày thuê cuốc mướn mà đói nghèo cứ hoàn nghèo đói, lầm
than. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nông dân Thượng Lập đã đứng
lên đấu tranh trực diện với lý trưởng, địa chủ, phú nông trong làng, mở
kho thóc cứu đói, tăng tiền công cày, cấy. Trước phong trào đấu tranh
cách mạng sôi nổi và mãnh liệt của quần chúng, chính quyền cơ sở địch
gần như bị tê liệt, vô hiệu hóa, bọn hào lý không còn tác dụng quyền
lực; lý trưởng, chức sắc làng, xã bị các tổ chức quần chúng cách mạng
khống chế. Phú nông, địa chủ vốn quen hà hiếp, bóc lột người dân,
nay đã tỏ ra hoang mang lo sợ, không dám hống hách như trước, phải
nhượng bộ trước yêu cầu chính đáng của người dân.
Song, con đường cách mạng không hề dễ dàng, thuận lợi. Thực
dân phong kiến với một bộ máy kìm kẹp khổng lồ đã thẳng tay đàn áp
tổ chức cách mạng non trẻ. Nhiều hạt nhân ưu tú bị địch bắt bớ, tù đày
và giết hại. Tỉnh ủy, Phủ ủy vỡ, chi bộ các nơi tan rã, rồi lập lại, rồi lại
bị đàn áp đẫm máu. Thượng Lập chính là cái chấm đỏ lớn nhất trong
cơn cuồng nộ lùng sục, bắt bớ của mật thám Pháp và giới cầm quyền
ở Phủ Vĩnh Linh lúc ấy. Thiệt hại nhất là sau vụ ám sát Cửu Kiệm bị lộ
do sự phản bội của một thành phần trong chi bộ, khiến hàng loạt đảng
viên cốt cán của Thượng Lập bị bắt, tra tấn, tù đày biệt xứ như Trần Văn
Ngoạn, Dương Liêu, Trần Đức Ấm, Trần Văn Nguyên… Đau đớn hơn
cả là trường hợp đồng chí Trần Văn Luận, đảng viên của Thượng Lập,
đồng thời là Bí thư Phủ ủy Vĩnh Linh, cùng đồng chí Trần Văn Trích, bị
giặc tử hình mà trường bắn được dựng lên ngay trên chính quê hương,
bắt hàng ngàn người dân Thượng Lập phải chứng kiến. Thiệt hại to lớn,
đàn áp khủng bố gắt gao, nhưng kỳ lạ là sức sống và niềm tin của con
người nơi mảnh đất này thật mãnh liệt và bất diệt. Lớp này ngã xuống,
lớp khác đã thay thế để duy trì và phát triển phong trào ngày một mạnh
mẽ hơn. Từ Thượng Lập và các nhân tố được cử tới bồi dưỡng, gây dựng
phong trào ở khắp các làng thôn trong vùng. Giai đoạn 1936 - 1939,
88