Page 40 - Văn Nghệ Phú Yên
P. 40
Sáng ba mươi Tết. Nàng đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm Tất Niên thì
nghe tiếng gọi cửa. Từ trong nhà, thấy hai người phụ nữ, một già một trẻ.
Nàng lật đật chạy ra thì gặp bà ngoại Thanh Hận. Cô mời ngoại và chị vào nhà.
Vừa đặt mông xuống ghế, người phụ nữ trẻ liền giới thiệu:
“Tôi là mẹ Thanh Hận. Hôm nay đến đây là muốn được trực tiếp cảm ơn cô!”.
Bà ngoại thấy cô giáo còn ngơ ngác liền giải thích:
“Hồi đó tui giận quá, sai mấy thằng con đi làm bằng được giấy khai tử giả
cho em gái đó cô! “
Khó mà diễn tả được tâm trạng của cô giáo lúc đó. Bất ngờ. Vui mừng…
Nàng nghĩ: đứa trẻ nào chẳng được sinh ra theo ý lành của Thượng Đế. Và có
người mẹ nào lại chẳng thương con…
“Dạ, em chỉ góp nhặt tình thương trong cộng đồng thôi, phần em chẳng
có gì. Thấy chị về, em mừng cho học trò em! Đây là phần quà quý giá mà mùa
xuân đã lì xì cho em ấy!”.
“Vâng, cảm ơn cô. Tôi có lỗi nhiều, với gia đình, với con cái…”. Nói rồi
khách mở túi cầm ra chiếc phong bì dày, cẩn trọng đặt lên bàn:
- Thật cảm ơn vì những mối lương duyên của cuộc sống. Gia đình chỉ xin
nhận tấm lòng của những Bồ Tát sống đã giúp bé trong lúc khó khăn. Giờ mẹ
xin gửi lại phần quà đó để cô giúp đỡ những học trò khác. Một lời khó nói hết
chân thành, bây giờ hai mẹ con xin phép về để cô và gia đình sum họp cuối năm.
Trước khi bước đi, ngoại còn quay lại, xin... lỗi… vì đã gây cho cô nhiều
phiền phức!
Cất phong bì, lật đật bay xuống bếp với bữa cơm cuối năm. Nấu cơm mà
trong đầu cứ chờn vờn câu “trường mình còn biết bao học sinh khó khăn…”.
Xong việc, nàng vội vội vàng vàng ra mở cổng, chồng hỏi đi đâu, trả lời công
chuyện chút, lát em về.
Trước khi leo lên xe, nàng đã mở phong bì kiểm tra, tận 50 triệu. Cô giáo
nhanh chóng liên hệ với nhóm zalo giáo viên chủ nhiệm của trường, xin tên
và địa chỉ những học sinh khó khăn để hỗ trợ quà Tết. Nàng hẹn với cô Tổng
phụ trách cùng đi. Đoạn hai cô bàn bạc, quyết định trích hai phần ba lì xì Tết
cho các em, phần còn lại để dành làm quỹ “tiếp sức”, khi nào học sinh cần -
các cô sẽ lập tức có mặt - như ông Bụt sau tiếng khóc hu hu của một đứa trẻ.
Đi nguyên buổi chiều, về tới nhà đã xẩm tối. Từ ngoài ngõ, nàng thấy nhà
sáng choang điện và hoa tươi đã chưng trên bàn. Chậu mai với những chùm
nụ bóng mượt đã được đặt ở phòng khách. Chắc hai bố con đang đợi mẹ về
dùng bữa cơm Tất Niên vì cỗ bàn đã bày sẵn. Mẹ về rồi nè, ba! Cả ba người nhìn
nhau, cùng cười, theo cái cách mùa xuân đã về.
34 VĂN NGHỆ PHÚ YÊN