Page 79 - Văn hoá Huế
P. 79
nghi lễ trên, múa cung đình còn được trình diễn trong các lễ, tiết quan trọng dưới triều
Nguyễn như tết Nguyên đán, đám cưới hoàng tử, công chúa và các dịp tiếp đãi sứ thần
ngoại quốc.
Tuồng cung đình Huế là một hiện tượng phát triển rực rỡ trong truyền thống kịch
hát dân tộc. Dưới triều vua Minh Mạng, nhà vua đã cho xây dựng nhà hát Duyệt Thị
Đường chủ yếu để diễn các vở Tuồng phục vụ cho vua, phi tần, hoàng thân quốc thích
và quan lại. Đến thời vua Tự Đức, nghệ thuật Tuồng phát triển đạt đến giai đoạn đỉnh
cao. Nhà vua xây dựng nhà hát Minh Khiêm Đường, quy tụ các đào, kép giỏi về đây
để tập luyện và biểu diễn Tuồng. Thành lập Ban Hiệu thư, một tổ chức chuyên sáng tác
các vở Tuồng, tập hợp các tài năng đương thời để chỉnh lý các Tuồng dân gian và họa
văn thơ.
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế là một loại hình tín ngưỡng dân gian, thờ cúng người Mẹ
hóa thân ở các miền trời, rừng núi, đất đai, sông nước. Dưới sự ảnh hưởng của tác nhân
lịch sử, môi trường tự nhiên và văn hóa đã tạo nên diện mạo mới của Thiên Y A Na tại
miền Trung. Lễ hội điện Huệ Nam là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hóa tâm
linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na được cử hành vào tháng Ba và tháng Bảy (Âm
lịch) hàng năm. Ngày 01/12/2016, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người
Việt đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ thuật Ca Huế đã tiếp thu, kế thừa và ảnh hưởng nhiều dòng âm nhạc cổ truyền
dân tộc để trở thành một trong những loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt
Nam. Ca Huế là nhịp cầu nối giữa cung đình - dân gian, dòng âm nhạc dân gian chính là
cơ sở để hình thành và phát triển, là cái nôi nuôi dưỡng cho dòng âm nhạc bác học, cung
đình Huế. Nhạc điệu của Ca Huế là nguồn cảm hứng cho nhạc dân gian Bình Trị Thiên
và các thanh âm của Ca Huế phát sinh từ tiếng nói, ngữ điệu của người dân xứ Huế.
Bài Chòi Huế là một trò chơi dân gian thể hiện sự sáng tạo, thích nghi và trở thành
một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đầy tính ngẫu hứng, được nhiều
người dân nông thôn vùng Huế tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Ngày 07/12/2017, Nghệ
thuật Bài Chòi Trung Bộ đã được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi
vật thể đại diện của nhân loại. Huế là 01 trong 09 tỉnh, thành phố (gồm các tỉnh Quảng
Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và
thành phố Đà Nẵng) tham gia lập hồ sơ di sản Bài Chòi trình UNESCO ghi danh.
Ẩm thực Huế là món ăn, thức uống của cư dân bản địa, cư dân Champa xưa kết hợp
với món ăn, thức uống của người Việt; đồng thời là món ăn, thức uống dân gian cả nước
hòa quyện với món ăn, thức uống cung đình. Món ăn, thức uống Huế rất phong phú, có
thể giản dị, mang hương vị của sản phẩm nơi đồng ruộng, đầm phá, núi sông song cũng
không kém phần sang trọng, tinh tế với cách bài trí món ăn mang đậm tính chất cung
đình. Hiện nay, thành phố đang triển khai Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” nhằm nâng
cao hình ảnh của Ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao hiệu
quả xã hội và hiệu quả kinh tế của ngành du lịch địa phương.
Đầu thế kỷ XVII, ở Đàng Trong mà trọng tâm là tại Huế đã xuất hiện một loại áo
dài mới do cư dân sáng tạo nên, loại áo dài này rất phù hợp với môi trường sống, quan
niệm sống và tính cách của người Việt hồi đó: Áo Ngũ thân (hay áo năm thân). Từ
năm 1744, gắn liền với công cuộc cải cách và định chế trang phục ở Đàng Trong, chúa
Nguyễn Phúc Khoát đã quy định, áo Ngũ thân trở thành loại thường phục chung của cư
dân toàn xứ sở. Sang đầu thế kỷ XIX, vua Minh Mạng đưa ra quy định bắt buộc tất cả
SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO THÀNH PHỐ HUẾ 77