Page 98 - Văn Nghệ Phú Yên
P. 98

nước trong sông cạn, con dò từng bước, không dẫm lên đá có rêu, không tắm
            ở nơi nước đọng, đi rừng thấy lấp lánh là nước, tối đen là đá, quả chim ăn dẫu
            xấu xí nhưng không có độc, cây nấm màu sắc sặc sỡ là thứ nguy hiểm… Sau
            này mỗi khi gặp phải những điều bất an tôi lại nhớ đến lời mẹ dặn, như ngày
            xưa mỗi lần đứng trước dòng sông ấu thơ.
                Nhớ nhất là lần tôi với mẹ đi chặt tre ở bên kia sông. Mẹ lội phía trước,
            tôi theo phía sau. Khi lội ra giữa dòng sông tôi thường dừng lại để ngâm chân
            dưới nước cho mát, và tận hưởng giây phút thần tiên được cọ chân trên những
            viên đá cuội tròn lăn, bóng nhẵn, dòng nước thì mát lành quá thể. Qua tới
            bên kia sông, nhìn bụi tre cao vút với vô vàn những búp măng non mới nhú,
            mẹ nói bụi tre này là của người ta đã trồng mấy mươi năm rồi đó con. Nhìn
            bụi tre tôi cứ tưởng rằng chúng tự mọc lên như bao loài cỏ cây khác, nếu mẹ
            không nói thì tôi sẽ không biết đã có bàn tay con người vun xới từng gốc tre
            từ thuở ban đầu. Mẹ bảo đã xin phép người chủ rồi, chúng ta chỉ chặt một cây
            mang về thôi. Nhưng khổ nỗi cây tre già thì mọc ở trong còn cây tre non thì
            mọc ngoài, chúng bao bọc nhau như câu chuyện bó đũa vậy. Ý nghĩ chặt phát
            được ngay của tôi phá sản nhanh chóng, và kết quả là tôi và mẹ đầm đìa mồ
            hôi mới xong được cái gốc tre. Đến đoạn lôi cây tre ra khỏi bụi tre thì đó mới
            là điều khổ ải tôi chưa từng thấy khi những cành, những gai tre tua tủa, chúng
            bám vào nhau bền chặt đến nỗi như không gì có thể chia cách được. Nhưng
            một khi con người đã quyết tâm thì dường như có sức mạnh vô biên nào đó
            xuất hiện. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi đi chặt tre.
                Điều thú vị nhất của dòng sông dành cho bọn trẻ con chúng tôi chính là
            những buổi tắm sông. Nhìn những bụi tre nối nhau thành hàng thành lũy
            bên bờ sông, người lớn thường nghĩ về những điều sâu xa, còn bọn trẻ con
            thì dâng lên niềm vui thích. Bởi dòng sông vô tình đã mài những gốc tre gân
            guốc trở nên nhẵn nhụi, đám rễ tre tua tủa như bộ râu của ông tiên thả lững lờ
            theo dòng nước. Phía cây mai rừng trổ hoa vàng, những tiếng ùm ùm vang lên
            một khúc sông quê. Chúng tôi thường thách nhau thi lặn như Yết Kiêu. Phần
            thưởng cho người chiến thắng chính là chiếm được vị trí bộ râu của ông tiên.
            Ngâm mình dưới nước, tựa lưng vào bộ rễ tre già cỗi, tôi nhìn ra quãng sông
            êm đềm, cảm thấy như được nương tựa vào cội nguồn quê hương mát lành.
                Những buổi sáng tinh mơ của mùa Xuân, nhìn đàn bươm bướm bay qua
            sông cùng với bạt ngàn hoa dại lấp lánh như ánh mắt trẻ thơ trong sương
            mai. Mùi hương hoa dại như một thứ sâm đắng, nhẫn nại rót vào lòng người
            nỗi thăm thẳm cố hương. Ngàn đời nay, con người sống nương tựa vào thiên
            nhiên như là lẽ vô thường của trời đất. Dòng sông ấu thơ đã chảy qua đời tôi
            như một dải lụa dịu dàng, một khúc xuân xanh tươi mát. Nhớ về dòng sông
            ấu thơ, tôi như trở về nơi an trú của tâm hồn vời vợi bóng quê.


             92 VĂN NGHỆ PHÚ YÊN
   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103