Page 147 - Văn Nghệ Bình Định
P. 147
“Giàu cũng giàu rồi, nghèo cũng nghèo rồi, Tết phải về nhà chớ,
tham công tiếc việc mà làm gì!”. Bà giáo già vừa thở ra thườn thượt vừa
trách nhẹ đứa con trai làm kỹ sư gì đó, bận bịu công trình đang tiến độ
nước rút đành ăn Tết xa quê. Nói trách vậy thôi nhưng rồi bà rút khăn
chầm chậm quanh khóe mắt mà thều thào hai tiếng “Thương lắm!”…
Tôi có ba thằng con trai đang đi học ở xa, xa lắm, ở xứ tuyết, xứ
băng lạnh lẽo biển Bắc trời Âu. Ở đó không có Tết Nguyên đán như
mình, cả năm chỉ được nghỉ học từ Noel tới ngày đầu năm dương lịch,
hỏi làm sao về sum họp ba ngày Tết? Vậy đó mà tâm hồn già cứ ngập
dần bóng núi, bần thần là thứ tâm trạng chập chờn trong những chuỗi
ngày cùng tháng tận, nỗi nhớ không cồn cào như trước đây nữa mà cứ
kéo trĩu trái tim con người ta xuống, nhất là những khuya khoắt pha
bình trà ngồi một mình thức đón giao thừa. Những lúc như vậy ký ức
được đánh thức, chiếm trọn đời sống.
Người nhớ sống bằng ký ức là vậy! Hình ảnh của con cái cứ mồn
một trước mắt. Tiếng cười của từng đứa cứ giòn tan, nắc nẻ bên tai.
Từng lời nói ngây ngô của chúng từ thời xa lắc xa lơ tập đi tập nói
ngọng nghịu cứ văng vẳng, cứ như đang vừa đây, khiến người già cứ
chốc chốc lại cười một mình. Cười và thấy ấm rộn trong lòng. Cười
và nghe nhoi nhói trong tim. Cười và ngạc nhiên sao khúc ruột mình
rứt ra giờ lại ở xa quá vậy, rồi lại ngạc nhiên sao giờ này quanh mình
không có ai hết kìa? Cười và nước mắt cứ ngân ngấn, nóng nhòe hai
bên gò má nhăn nheo...
Tranh của họa sĩ Trần Nguyên. Nguồn: SVVN
140 O VĂN NGHỆ Bình Định số Xuân Ất Tỵ tháng 1+2.2025