Page 7 - Tạp chí Cửa Việt
P. 7

1. Qua một con đường nhỏ vùng ven thành phố Đông Hà, tôi
             nhìn thấy căn nhà cấp bốn cũ và bình dị, hàng rào tre. Nổi bật lên giữa
             khoảnh vườn là một cây mai toà nở vàng rực, mấy đứa trẻ hồn nhiên
             chơi đùa. Đứng thật lâu ngắm nghía khung cảnh hồn hậu mà ăm ắp
             xuân, ngỡ như Tết xưa hiện về rõ rệt.
                  Ấy là thuở còn thiếu thốn khó khăn, Tết hầu như toàn những thứ
             nhà làm được, kể cả hoa hòe cũng đều tự trồng lấy. Đầu tháng mười
             âm lịch đã bắt đầu rục rịch ươm các loại giống hoa. Củ thược dược, củ
             lay ơn được cất từ mùa xuân. Tức là lúc ra giêng hoa tàn, moi đất lên sẽ
             được một chùm củ, đem vào để ở dưới gậm giường. Nhà khi ấy còn là
             nền đất nện, rải một lớp cát rồi đặt củ lên thì nó mới không bị mọc mầm.
                  Củ giâm dưới đất ẩm vài ngày đã nẩy chồi ngoi lên. Phải dùng
             tre rào chắn xung quanh để ngăn không cho gà vịt chó mèo đến phá.
             Chăm cây như chăm con dại! Mỗi buổi sáng thức dậy ra ngắm xem
             nó lên được thêm chừng nào, đã ra bao nhiêu lá. Xới đất, vào phân
             chuồng, vun gốc. Cây cao chút nữa phải cắm mấy nhành nè làm choái
             để giữ không cho mưa gió xô gẫy.
                  Bông vạn thọ là thứ hoa không thể thiếu trong bất kỳ vườn nhà
             quê nào hồi đó. Vạn thọ dễ trồng, chỉ cần đi quanh xóm thấy nhà ai
             có thì xin ngắt vài nhánh, đem về cắm xuống đất là nó bắt rễ liền. Sau
             này đi học mới biết chính cách trồng bông như thế lại là phương pháp
             bảo toàn nguyên vẹn đặc tính cây mẹ. Đấy là phương pháp nhân giống
             vô tính, khác với cách gieo hạt hay ươm củ là nhân giống hữu tính,
             thường bị suy thoái phẩm chất giống. Vạn thọ cho hoa nhiều và hoa nở
             lâu tàn, cây nở cả tháng vẫn còn rực màu. Có hai loại thọ là giống cồi,
             hoa ít cánh và giống kép, hoa nhiều cánh. Người ta thường chỉ thích
             hoa vạn thọ kép vì bông đầy đặn và cũng tươi tắn hơn.
                  Hoa tự trồng vừa trang trí cho ngôi nhà đón Tết, nhưng cũng
             chính là thứ để chưng lên bàn thờ và các lễ cúng. Mỗi nhà ở quê sơ sơ
             có vài ba lễ cúng: cúng tất niên, cúng giao thừa, cúng đầu năm, cúng
             đưa. Lễ thì tất nhiên phải có bình hoa, nếu đi mua chừng đó cũng tốn
             kém một khoản, mà tới dịp này hoa lại giá cao. Vậy nên người ta ra
             vườn cắt một vài bông thược dược, lay ơn, bông thọ, thậm chí hoa
             chuối tây (tựa như hoa thiên điểu) đem vào cắm là có ngay lọ hoa
             trang nhã.
                  Trong mỗi khu vườn thôn dã luôn sẵn những thứ “của nhà làm
             được” là vậy. Chính sự khiêm kham, tự túc này mà không khí Tết ở
             làng quê thường đậm đà hơn và đến sớm hơn vùng đô thị. Sau hoa hòe
             thì đến lo cái ăn, cũng từ trong vườn quê ấy.


                                                                                5
   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12