Page 53 - Tạp chí Sức Khoẻ Trẻ Em
P. 53
TẤM LÒNG NHÂN ÁI
Trong quá trình nuôi dưỡng, bác Chắt luôn chú trọng đến việc thấu hiểu từng đứa
trẻ, không chỉ qua tính cách mà còn qua năng lực thực sự của chúng. Bác quan sát cách
mỗi em phản ứng với các công việc hằng ngày, từ việc học tập đến lao động, để nhận ra
điểm mạnh và đam mê tiềm ẩn. Có em cẩn thận, khéo léo, bác định hướng học nghề thủ
công. Có em nhanh nhẹn, tháo vát, bác khuyến khích theo đuổi ngành dịch vụ. “Không
phải cứ thích gì là làm được, phải xem con có khả năng với nghề đó không,” bác thường
nhắc nhở các em. Với những em học xong chương trình phổ thông, có khả năng học
tiếp lên cao đẳng, đại học, bác lại đón các em lên ngôi nhà của mình tại phường Đại Mỗ,
Nam Từ Liêm để tiếp tục sự nghiệp đèn sách. Chính sự tỉ mỉ và định hướng thực tế ấy
đã giúp nhiều em chọn lựa đúng con đường, tự tin bước vào đời và xây dựng cuộc sống
bền vững.
Cuộc gọi vào ngày 28 Tết
Trong suốt cuộc trò chuyện với bác, có lẽ điều tôi ấn tượng nhất là nụ cười. Khi nói
về những đứa trẻ được bác nuôi dưỡng hay cả khi kể về những khó khăn bác đều cười
nhẹ nhàng. Nụ cười ấm áp, hiền từ ấy đã nuôi nấng, dạy dỗ biết bao đứa trẻ không điểm
tựa thành người. Nhưng có lẽ kỷ niệm khắc sâu nhất trong lòng bác chính là cuộc gọi
đêm 28 Tết năm ấy. Khi đang chuẩn bị khăn gói lên Lộc Bình thăm cơ sở, bác nhận được
điện thoại từ một bác sĩ bệnh viện huyện. Đầu dây bên kia là một câu chuyện đẫm nước
mắt: một cô gái trẻ không người thân, không đủ tiền mổ sinh con, đang nằm chờ trong
tuyệt vọng. Ngay lập tức, bác gác lại kế hoạch, đến viện giữa đêm đông giá rét. Bác
không chỉ chi trả viện phí mà còn ký bảo lãnh cho ca mổ. Khi mẹ tròn con vuông, bác còn
đón cả hai mẹ con về trung tâm, lo liệu từng bữa ăn, từng bộ quần áo. Nhưng chưa đầy
một tháng sau, người mẹ trẻ lặng lẽ bỏ đi, chỉ để lại một tờ giấy với dòng chữ run rẩy:
“Con gửi cháu lại, nhờ ông giúp đỡ, con phải đi làm lại cuộc đời.”. Không một lời trách móc
hay than phiền, bác thấu hiểu tình cảnh của người mẹ và thương cho số phận của hai
mẹ con. Bác đặt tên cho bé đó là Tâm- từ “Tâm” trong tâm hồn trong sáng, trái tim luôn
rộng mở để hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. “Cái Tâm nó còn hồn nhiên
đến độ lúc nào nó cũng nghĩ là do bác sinh ra nên toàn gọi bác bằng bố.”- Bác cười, ánh
mắt lấp lánh hạnh phúc, chia sẻ trong niềm vui giản dị. Nhờ có tình yêu thương và chăm
sóc, dưỡng dục của bác hiện tại bé Tâm đã học đến lớp 7 và trở thành một học sinh xuất
sắc trong trường em đang theo học.
“Mong muốn tạo ra một con người tử tế, đàng hoàng.”
Với bác Nguyễn Trung Chắt, việc nuôi dạy không chỉ dừng lại ở việc cho ăn, cho mặc
mà còn là hành trình rèn luyện từng kỹ năng sống, từng phẩm chất đạo đức. Từ việc
gấp quần áo, nấu cơm đến học cách đối nhân xử thế, bác đều kiên nhẫn hướng dẫn từng
chút một. Bác dạy các em cách tự lập, tự chăm sóc bản thân và biết chịu trách nhiệm
với cuộc sống của mình.
Những đứa trẻ từng được bác nhận nuôi giờ đây đã trưởng thành, có người theo học
đại học, có người thành đạt trong các lĩnh vực như quân đội, y học… Nhiều em đã lập gia
đình và khi tổ chức lễ cưới thì luôn mời bác làm người đại diện, như một cách thể hiện
lòng biết ơn và sự kính trọng đối với người đã nuôi dưỡng và dìu dắt họ trưởng thành.
Có những đứa trẻ, thay vì rời xa, lại chọn quay về trung tâm để tiếp tục hành trình ý
nghĩa cùng bác. Chị Mỹ Linh, một trong những trẻ được bác Chắt nuôi dưỡng, chia sẻ: “Lý
do đầu tiên chị quay lại trung tâm là lòng biết ơn. Người có lòng biết ơn thường muốn
báo đáp. Dù hiện tại chị chưa có gì lớn lao, nhưng chị có thể đóng góp một chút công sức.
Khi trung tâm gặp khó khăn, chị quyết định quay lại để giúp đỡ bác.”
Những trăn trở về tương lai
Trong cuộc trò chuyện đầy trăn trở về tương lai của Trung tâm Hy Vọng, ánh mắt
bác Chắt mang theo một nỗi lo lắng sâu sắc. Bác đang chuẩn bị cho một tương lai bền
vững cho trung tâm, khi sức khỏe đã không còn đủ để tiếp tục gánh vác mọi công việc.
Bác không chỉ mong muốn các em ở đây được chăm sóc đầy đủ, mà còn trang bị cho các
em những kỹ năng sống tự lập, từ học nghề đến các dịch vụ xã hội như chăm sóc người
già, trẻ tự kỷ. Trung tâm không chỉ là mái ấm nuôi dưỡng trẻ mồ côi mà còn là nơi kết nối
các thế hệ, giúp đỡ những người già cô đơn hoặc những mảnh đời khó khăn.
Bác Chắt đang dồn hết tâm huyết để xây dựng cơ sở vật chất vững chắc, đào tạo
nhân viên và chuẩn bị cho các em khả năng tự quản lý, duy trì trung tâm khi bác không
còn đủ sức làm nữa. Bác đặt ra một mục tiêu lớn lao: sau này, các em sẽ không chỉ tiếp
tục công việc ở đây mà còn trở thành những người tiếp nối, góp phần tạo ra những giá
trị xã hội, lan tỏa yêu thương đến cộng đồng. Trung tâm không chỉ là nơi nương náu,
mà còn là một chốn chữa lành cho những gia đình đang lâm vào khủng hoảng hay trẻ
em bị bỏ rơi.
Với tầm nhìn xa, bác đang miệt mài huấn luyện cán bộ, tổ chức các khóa đào tạo
và chuẩn bị cơ sở vật chất, để trung tâm có thể tồn tại lâu dài, phục vụ xã hội và giúp
đỡ những mảnh đời bất hạnh. Dù tuổi đã cao, bác vẫn luôn mong muốn khi mình rời xa
trung tâm, mọi thứ sẽ tiếp tục vận hành suôn sẻ. Các em sẽ là những người kế thừa và
tiếp tục hành trình nhân ái mà bác đã dày công xây dựng.
Trung tâm Hy Vọng không chỉ là một mái ấm. Đó là biểu tượng của tình yêu thương,
của sự hy sinh thầm lặng và bền bỉ. Nhìn lại hành trình hơn hai thập kỷ, bác Chắt không
chỉ xây nên một nơi nương tựa cho trẻ em bất hạnh, mà còn thắp sáng niềm tin vào sức
mạnh của lòng nhân ái trong xã hội.Trong thế giới đầy biến động này, ông đã dành cả
cuộc đời mình để xây dựng một nơi mà các em nhỏ bất hạnh có thể gọi là “nhà”.
53
Tết sẻ chia, Xuân yêu thương!