Page 154 - Khát Vọng Tây Hồ - Khát Vọng Thăng Long
P. 154
Phú Thượng. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển công
nghiệp văn hóa. Để phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng
đất Tây Hồ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã đề nghị quận tập
trung khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế, sản phẩm văn hóa;
phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa nhằm đẩy mạnh quảng bá
về những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của Tây Hồ.
Phát huy những tiềm năng, giá trị của Hồ Tây
Cùng với hệ thống di tích lịch sử lâu đời có kiến trúc độc đáo,
Tây Hồ còn sở hữu Hồ Tây với vẻ đẹp được ví như “nàng Tây Thi”,
một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc thời Xuân Thu.
Trong thi phẩm “Du Tây Hồ bát tuyệt” (kỳ hai), danh sĩ Cao
Bá Quát đã mượn những ngôn từ trác tuyệt để mô tả vẻ đẹp của
Hồ Tây:
“Điên đảo xuân tâm bất tự trì,
Tây Hồ chân cá tự Tây Thi.”
(Lòng xuân nghiêng ngả không tự cầm giữ nổi,
Tây Hồ quả thật là một nàng Tây Thi)
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, kiêm Trưởng ban
Quản lý Hồ Tây Nguyễn Thanh Tịnh, Hồ Tây có diện tích rộng
khoảng 526ha, nằm trọn trong địa giới quận Tây Hồ, là một cảnh
quan thiên nhiên nổi tiếng của Hà Nội và cả nước. Khu vực xung
quanh Hồ Tây có nhiều làng xóm tồn tại từ lâu đời, hiện còn lưu giữ
nhiều nghề thủ công truyền thống. Hệ thống các công trình di tích
lịch sử có giá trị, tập trung xung quanh Hồ Tây cũng đã khiến nơi
đây trở nên một danh thắng nổi bật nhất của Thủ đô. Với những
tiềm năng lợi thế riêng có, quận Tây Hồ được xác định là trung tâm
dịch vụ - du lịch, trung tâm văn hóa, là vùng bảo vệ cảnh quan
thiên nhiên của Thủ đô.
Lịch sử văn hiến lâu đời cũng đã để lại cho Tây Hồ một kho
tàng tài nguyên văn hóa, lịch sử và tâm linh đặc sắc bao gồm tài
nguyên du lịch văn hóa vật thể và tài nguyên du lịch văn hóa phi vật
thể. Nhắc tới vùng đất Tây Hồ, ai cũng nghĩ đến thương hiệu của
vùng trồng đào Nhật Tân, quất cảnh Quảng Bá, Tứ Liên. Hệ thống
154 Khát vọng Tây Hồ - Khát vọng Thăng Long