Page 76 - Tạp chí Cửa Việt
P. 76
thấy loáng thoáng có chỗ là âm điệu cò lả, có chỗ lại trống quân là
những điệu dân ca quá quen thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ của người
Kinh. Đệm cho điệu múa của người Thái ở Tây Bắc như vậy không ổn,
chẳng khác gì để các cô gái Thái đội nón thúng quai thao, mặc áo tứ
thân”. Từ Phác thấy đúng bèn giao nhiệm vụ cho Mai Sao lúc này là
diễn viên hát trong Đoàn văn công Tổng cục Chính trị tìm hiểu về dân
ca Thái để soạn nhạc đệm cho điệu múa sạp này… Ông đắm mình vào
nhiều làn điệu của dân tộc này và cuối cùng đã viết nên bài Sòn sòn sòn
đô sòn trên” (Dẫn theo Nhạc sĩ thầm lặng và sáng tác để đời của Nguyễn
Đình San).
Vậy đó, ký ức Việt Minh của thế hệ ba mạ tôi, một cách gián tiếp
đã truyền qua thế hệ tôi bằng con đường âm nhạc, dù đó chỉ là những
ca khúc mà ca từ đôi khi đã tam sao thất bản. Thật ra, còn một dòng
âm nhạc nữa đó là những ca khúc đồng quê mà một nhạc sĩ đồng
hương Quảng Trị khác cũng rất nổi tiếng sáng tác, được nhiều người
ghi nhớ và hát. Đó là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với loạt bài Gạo trắng trăng
thanh; Em gái vườn quê… Ca từ và giai điệu trong âm nhạc Hoàng Thi
Thơ luôn phảng phất hình ảnh cánh đồng, hàng cau, mái tranh, giếng
nước. Tôi nghĩ, những người tham gia kháng chiến, khi ở rừng, trong
chiến khu sẽ phải vịn vào những câu hát này để mơ về một ngày chiến
thắng, trở lại nhà xưa, vườn cũ, sống một đời mới thanh bình. Còn dài
thêm, nếu phải kể thêm những ca khúc của Phạm Duy đầy hơi hướng
dân ca, một Lê Văn Thương đượm màu sử thi trong Hòn Vọng Phu, Lê
Mộng Nguyên lãng mạn với Trăng mờ bên suối…
Trong nghiên cứu và phân kỳ lịch sử âm nhạc cụ thể là mảng
sáng tác ca khúc, tôi không rõ các nhà nghiên cứu có khoanh vùng địa
hạt âm nhạc thời kỳ Việt Minh hay không. Nhưng với riêng tôi, ký ức
âm nhạc về Việt Minh đã làm giàu có thêm tâm hồn yêu văn chương,
chữ nghĩa, hiểu thêm một giai đoạn lịch sử trọng đại của đất nước. Và
như thế lịch sử cũng không mất đi, không dừng lại, không hóa thạch.
Đó là lịch sử của những gì sống động, chuyển hóa và nuôi dưỡng tình
cảm của những thế hệ tiếp nối.
P.X.H
74