Page 19 - Văn Nghệ Phú Yên
P. 19

Lần lại cội nguồn lịch sử, mấy ngàn lưu dân đầu tiên từ vùng Thanh Nghệ
           theo Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh mở đất Phú Yên là những người nghèo
           không sản nghiệp, nhưng trong sâu thẳm họ có tố chất nghệ sĩ khi dũng cảm
           và cả lãng mạn dấn thân vào vùng biên viễn xây dựng quê hương mới. Mối u
           hoài cố thổ giữa vùng hoang nhàn u tịch đã gửi gắm trong kho tàng văn học
           dân gian mang đặc trưng Phú Yên.
               Chính lòng yêu nước, yêu quê hương và yêu thi ca của những con người
           hào sảng và lãng mạn trên vùng đất trấn biên Phú Yên đã hình thành phong
           trào yêu thơ, như mạch nguồn tuôn chảy. Đó là “Sầm Sơn thi xã”- Hội thơ Núi
           Sầm của võ sư tài hoa Lương Văn Cương (Can) thầy dạy võ của danh tướng
           Tây Sơn Võ Văn Dũng và đô đốc Tây Sơn Đặng Đức Vĩ thế kỷ XVIII. Đó là “Tụ
           hiền trang” ở Xuân Quang (Đồng Xuân), nơi văn ôn, võ luyện của các hậu duệ
           Tây Sơn ẩn cư tránh sự trả thù tàn bạo của triều Nguyễn. Và từ đây xuất hiện
           nhiều lãnh tụ phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, như: Nguyễn Hào Sự,
           Võ Trứ, Võ Thiệp, Nguyễn Thị Vân Đương, Bạch Ngọc Đường… mà tác phẩm
           thơ ca của họ tạo dấu ấn sâu đậm trong chuyên khảo văn học thời Cần Vương
           do Viện Văn học xuất bản năm 1978.
               Phú Yên chưa hẳn là đất thơ, nhưng chắc chắn một điều, đây là vùng đất
           của người yêu thơ! Một minh chứng rất sống động là hội thơ Nguyên tiêu hàng
           năm đã có tuổi đời 45 không ngừng phát triển, được tôn vinh tổ chức trên đỉnh
           linh sơn giữa lòng Tuy Hòa, đã thu hút không chỉ thi nhân, mặc khách trong
           cả nước và còn có nhiều tầng lớp nhân dân địa phương đã làm nên hồn cốt
           một cách sống động cho hoạt động văn hóa đỉnh cao của xúc cảm và ngôn từ
           được trường tồn. Và Tuy Hòa đã trịnh trọng đặt tên đường phố dưới chân Núi
           Nhạn là đường Tản Đà để ghi nhớ thịnh tình của nhà thơ lớn với vùng đất này!
               Đôi uyên ương thi nhân tiền chiến Đông Hồ - Mộng Tuyết đã từng đến
           giao lưu với nhóm thơ Núi Nhạn và vị nữ sĩ “Thất tiểu muội” kể tường tận giao
           lưu thơ thú vị ở Núi Nhạn - Sông Đà trong bài viết mừng thầy Trần Sĩ đại thọ
           90 (vào năm 2000), trong đó có bài thơ tứ tuyệt sâu sắc tình thi nhân:
               Nửa thế kỷ rồi qua Phú Yên

               Sông Đà - Núi Nhạn nước non tiên
               Bài thơ tương thức tình tương ngộ
               Trọng nghĩa tâm giao nhớ bạn hiền.
               Trong hai cuộc chiến tranh, Phú Yên là nơi hội tụ nhiều nhà thơ tài hoa,
           như: Hữu Loan, Văn Công, Trần Dần, Ngô Tịnh Hà, Việt Phương, Trần Mai
           Ninh… và nhiều thi nhân tiền bối khác.


                                                             VĂN NGHỆ PHÚ YÊN  13
   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24