Page 20 - Văn Nghệ Bình Định
P. 20
Quy Nhơn có nhiều không gian quán và “gu” nhạc để khách lựa chọn. Từ
lãng mạn son trẻ đến lắng sâu hoài niệm, tạo nên những kết nối cảm xúc
của khách, để vừa thưởng thức hương cà phê đậm vị, vừa được hòa vào
những giai điệu, được âm nhạc vỗ về, và có khi, bản thân khách hàng có
cơ hội trực tiếp thể hiện mình trên sân khấu. Trong số các quán, có lẽ quán
Trịnh Công Sơn nằm trên đường Xuân Diệu là nơi có thâm niên cao nhất.
Năm 1994, ông Phạm Ghi cùng vợ chồng nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ đã kết
hợp với quán Thu Vàng để hình thành nhóm nhạc chuyên hát nhạc tiền
chiến và nhạc Trịnh Công Sơn. Đó cũng là sân khấu đầu tiên hát nhạc trữ
tình ở Quy Nhơn. Mỗi tháng hai đêm chủ đề nhạc Trịnh. Đêm 28.2.1998,
nhóm nhạc tổ chức một đêm nhạc bài bản mừng sinh nhật nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn. Những ấn tượng của đêm nhạc được báo chí truyền thông, đưa
tin, tạo nên những hiệu ứng lan tỏa. Sau khi biết được thông tin chương
trình nhờ đọc những bài báo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã quyết định ra Quy
Nhơn để giao lưu với nhóm. Ông Phạm Ghi, chủ quán cà phê Trịnh Công
Sơn hồi tưởng: “Tháng 10.1998, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra Quy Nhơn và
gặp gỡ nhóm nhạc. Trong buổi giao lưu trò chuyện, tôi có hỏi ý muốn mở
một quán ca nhạc mang tên ông. Ông tỏ ý đồng thuận. Sau đó ba năm,
ông mất. Và ba năm sau, tôi đã mở quán cà phê ca nhạc Trịnh Công Sơn”.
Mở quán Trịnh Công Sơn, và lấy dòng nhạc Trịnh làm chủ đạo để phục
vụ khách xa gần, vậy mà đã bao năm quán duy trì như thế. Dù Quy Nhơn
đã có nhiều phòng trà, quán xá kết hợp cà phê - nhạc, ca sĩ hát chuyên
nghiệp hay bè bạn hát cho nhau nghe, hiếm có quán nào “bền gan cùng
tuế nguyệt” như Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ, quán đã tạo cho mình một bản
sắc, để thập khách xa gần, đâu đó quay trở lại phố Quy Nhơn, muốn nghe
Trịnh, họ nhắc ngay đến Trịnh Công Sơn, xác tín cho mình một địa chỉ tin
cậy. Một ngày cuối năm, tôi ngồi cùng vợ chồng nhà văn Elena Pucillo và
Trương Văn Dân tại quán Trịnh. Nhà văn người Ý Elena ngẫu hứng vài câu
hát Trịnh bằng tiếng Việt rõ rành: “Sống trong đời sống cần có một tấm
lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”. Bà thích
nhạc Trịnh, và ở đất nước của bà, bà cũng cho bè bạn của bà nghe dòng
nhạc này. Cái hay của âm nhạc là có khả năng xóa mờ những ngăn cách, cả
những bất đồng ngôn ngữ... Giai điệu, là thứ dễ đưa đến những đồng điệu,
để mỗi tâm hồn khẽ khàng ngân rung theo tiết tấu, nhịp phách. Bà Elena
Pucillo bảo rằng, ở Quy Nhơn có những quán đặc trưng như thế này thật
hay, sẽ là một địa chỉ để khách du lịch yêu mến dòng nhạc Trịnh tìm đến.
Khi gặp ca sĩ Kim Ngân, người chuyên hát cho quán Trịnh, chị bộc bạch,
âm nhạc là nơi chị cảm thấy được chia sẻ. Những khúc ca của Trịnh, Vũ
Thành An, Phạm Duy, Từ Công Phụng... khiến chị như được lắng lại. Ca sĩ
Kim Ngân đã hát cho quán Trịnh hơn mười năm nay. Một lần, tôi nghe Ngân
cất lời hát bài Tuổi đá buồn của Trịnh qua tiếng đệm đàn của ông Phạm Ghi,
VĂN NGHỆ Bình Định số Xuân Ất Tỵ tháng 1+2.2025 O 13