Page 87 - Khát Vọng Tây Hồ - Khát Vọng Thăng Long
P. 87
sống lý tưởng của cư dân hiện đại. Nơi đây được những cư dân của
Việt Nam và quốc tế lựa chọn làm nơi an cư lạc nghiệp. Hồ Tây vì
thế mà trở thành trung tâm giao lưu quốc tế của Thủ đô, nơi kết nối
những giá trị văn hóa, mở rộng quan hệ hợp tác, mở ra một dòng
chảy mới từ cội nguồn vùng đất Hồ Tây.
Trước đây, GS. Trần Quốc Vượng đã từng nhìn nhận: “Tây
Hồ: mặt gương của Hà Nội, lá phổi của Long Thành. Tấm gương
lớn trên dưới 500ha ấy, với bề dày bốn nghìn năm lịch sử, đã lắng
hồn non sông Hà Nội, đọng lại và xếp lớp biết bao huyền thoại,
thơ ca…”. Còn nhớ, trong thiên bút ký nổi tiếng về Hồ Tây, nhà
văn Tô Hoài láy đi láy lại nhiều lần với câu thơ cổ nổi tiếng của
Chương lĩnh hầu Nguyễn Huy Lượng thời Tây Sơn: Lạ cảnh thay
Tây Hồ! Lạ cảnh thay Tây Hồ! Rồi ông suy ngẫm: “Không bao giờ,
biết ai mà có thể nói hết được về cái đẹp Hồ Tây - tôi ngỡ thế. Từ
ngàn xưa tới nay. Lại nữa, hôm nay trong xây dựng Hà Nội đương
đẩy nhanh thời gian chỉ lọt vòng một tháng đã bao nhiêu cái mới
chồng chất, bề bộn. Những việc, những công trình chưa khi nào có,
cứ ngày ngày hiện ra quanh vùng nước mênh mang, mà sóng nổi,
sương mù dịu dàng mùa thu bao phủ. Ai tha thiết với Hà Nội mà
không bồi hồi, mỗi lần đến với hồ lại thấy mình như có lỗi với chính
mình. Những điều đã trông thấy mà nghĩ lại thật cũng chưa thấm
vào đâu… Lạ thay cảnh Tây Hồ…”.
Còn nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã dành biết bao thời
gian suy ngẫm để rồi cho ra đời cuốn sách nổi tiếng “Mặt gương
Tây Hồ”, và được GS. Hà Văn Tấn đánh giá: “Mặt gương Tây Hồ”
đã cho ta biết về không gian văn hóa qua thời gian văn hóa ở một
thắng cảnh của Thăng Long”. Ở lời nói đầu của cuốn sách này, tác
giả đã bồi hồi: “Du lịch quanh Hồ Tây không chỉ để biết không gian
văn hóa mà còn được mở rộng cả thời gian văn hóa. Làm một vòng
quanh hồ, không chỉ ngắm cảnh hồ đẹp, mây trời đẹp, đình chùa
đẹp mà còn là dịp trở về cội nguồn với Lạc Long Quân khi ông diệt
hồ tinh, với ông trạng Lê Văn Thịnh và nghi án hóa hổ, với Vũ Như
Tô xây Cửu trùng đài, với Nam Đồng thư xã, một nhà sách tiến bộ
vào năm 1926 - 1927, với bến đò Phú Xá, dải đất đầu tiên của Hà
Nội được đón Bác Hồ”…
Khát vọng Tây Hồ - Khát vọng Thăng Long 87